Hướng dẫn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường rộng lớn này.
Tuy nhiên, nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc dưới hình thức “tiểu ngạch”. Thực tế xuất khẩu “tiểu ngạch” là trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 biên giới tại các chợ biên giới bên phía Việt Nam hoặc bên phía Trung Quốc, được chính quyền 02 nước cho hưởng những ưu đãi nhất định. Do là trao đổi cư dân nên giao dịch đơn giản, thường không đòi hỏi hợp đồng bằng văn bản với các điều khoản chặt chẽ, thanh toán linh hoạt, có thể dùng tiền mặt và hàng hóa chỉ có thể đi qua một số cửa khẩu phụ, lối mở mà 02 bên thống nhất mở cho trao đổi cư dân nên thường xảy ra ùn tắc hàng hóa khi vào vụ thu hoạch và chậm thông quan khi có thay đổi về chính sách tại khu vực cửa khẩu.
Vì vậy, việc chuyển đổi xuất khẩu từ hình thức “tiểu ngạch” sang hình thức chính ngạch là rất cần thiết để tạo ra động lực nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường; hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền, bảo đảm cho nông sản xuất khẩu bền vững và tận dụng được các ưu đãi do Hiệp định thương mại mang đến.
Điều kiện để nông sản nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là nông sản phải nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Theo đó, với từng loại trái cây, cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch trực thuộc Tổng Cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Quá trình này đòi hỏi thời gian và sự hợp tác từ phía cơ quan quản lý của nước xuất khẩu (ở nước ta là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Danh mục nông sản được phép nhập khẩu được Tổng Cục Hải Quang Trung Quốc công bố rộng rãi và cập nhật trên website: http://www.customs.gov.cn.
Đối với sản phẩm trái cấy tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo quy định, trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được thu mua từ những vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận (việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng thực hiện đăng ký thông tin với Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt tại địa phương. Chi cục sẽ xác nhận và gửi Cục Bảo vệ thực vật để cấp mã/giám sát việc thực hiện tại địa phương).
Thực vật và các sản phẩm từ thực vật nhập khẩu vào Trung Quốc cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm theo luật pháp của Trung Quốc, được dán nhãn an toàn sản phẩm. Hàng hóa lưu thông trên thị trường Trung Quốc phải có nhãn mác kèm theo các thông tin bằng tiếng Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu hàng thực phẩm như: Kẹo, rượu, quả hạch, thực phẩm đóng hộp,… phải được dán tem và chứng nhận an toàn sản phẩm trước khi cho xuất khẩu và nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải chịu phí dán nhãn có hình và nhãn dính có hình chỉ được đính vào sản phẩm khi có sự đồng ý của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.
Yêu cầu về nhãn mác của Trung Quốc rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ các thông tin cơ bản sau: tên sản phẩm, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói (đối với trái cây), nơi đến,… bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh.
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc, trước tiên, phải xác định mình kinh doanh nhóm hàng nào, là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại.
Đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thì bắt buộc phải đăng ký với Trung Quốc và được Tổng Cục Hải quan cấp mã số (theo quy định tại Lệnh 248 và Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng Cục Hải quan Trung Quốc về hướng dẫn triển khai doanh nghiệp nước ngoài). Cụ thể:
(1) Nhóm 1 với 18 nhóm mặt hàng gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, Thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mỳ, thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô, đậu khô, gia vị, các loại hạt và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp thuộc nhóm này phải đăng ký mã số thông qua cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phụ trách của Việt Nam. Có 05 cơ quan thuộc 03 Bộ: gồm Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) mới có thẩm quyền đăng ký, tổng hợp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu để gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
(2) Nhóm 2 gồm thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Đối với doanh nghiệp thương mại hoặc đại lý xuất khẩu thực phẩm (không phải là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm) không cần phải đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của Lệnh 248. Tuy nhiên, phải đảm bảo sản phẩm mà mình mua để xuất khẩu có xuất xứ từ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã đăng ký và được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Doanh nghiệp có thể trực tiếp (hoặc ủy quyền cho đối tác nhập khẩu Trung Quốc) nộp hồ sơ đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc qua Website: http:ire.customs.gov.cn/. Tổng Cục Hải quan Trung Quốc sẽ cấp mã số và công bố danh sách các doanh nghiệp thương mại./.